Thuế Quan Của Tổng Thống Donald Trump Đã Đạt Được Gì? Giới Chuyên Gia Nhận Định

trump 9 ap er

Chính sách thuế quan do Tổng Thống Donald Trump ban hành đã gây chấn động thị trường và dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế chỉ vài tháng trước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ABC News, kinh tế Hoa Kỳ hiện vẫn đang vận hành ổn định, và Phố Wall dường như đã dần quen với các đợt thuế quan mới.

Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng chính sách thuế quan đã mang lại nguồn thu thuế cao hơn dự kiến cho chính phủ, đồng thời khuyến khích một số công ty cam kết đầu tư sản xuất mới tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những cam kết đầu tư này cần thời gian dài để hiện thực hóa và có thể thay đổi nếu chính sách thuế quan biến động. Bên cạnh đó, thuế quan bắt đầu đẩy giá một số mặt hàng lên cao, gây ra rủi ro lạm phát, có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây xáo trộn nền kinh tế.

Trong những tháng gần đây, Tổng Thống Trump đã dỡ bỏ nhiều mức thuế quan cao nhất, bao gồm cả mức thuế áp lên Trung Quốc. Thế nhưng, gần đây Tổng Thống lại công bố kế hoạch áp thuế lên tới 50% đối với hàng chục quốc gia, trong đó có mức 25% đối với các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Nam Hàn. Theo phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, tỷ lệ thuế quan hiệu dụng mà người tiêu dùng hiện phải đối mặt là 20.6%, mức cao nhất kể từ năm 1910.

Chính quyền Tổng Thống Trump khẳng định thuế quan là một phần trong “Chính sách kinh tế Nước Mỹ Trên Hết” rộng lớn hơn, nhằm “khuyến khích hàng nghìn tỷ đô la đầu tư mới vào sản xuất, công nghệ và cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ,” theo thông tin từ Tòa Bạch Ốc. Nhiều tập đoàn lớn như Apple, Nvidia, Merck, Johnson & Johnson, cùng các nhà sản xuất ô tô Hyundai và Stellantis đã cam kết đầu tư mới vào Hoa Kỳ.

Giáo sư Morris Cohen từ Đại học Duke nhận định với ABC News rằng toàn bộ ý tưởng của chính sách này là khuyến khích việc đưa hoạt động sản xuất về Hoa Kỳ và thay đổi cán cân thương mại, điều này có thể mang lại tác động tích cực.

Mặc dù vậy, các công ty đang phải đối mặt với lựa chọn đầu tư dài hạn tốn kém trong bối cảnh chính sách thuế quan của Tổng Thống Trump liên tục thay đổi. Các phán quyết của tòa án vào tháng Năm cũng đã đẩy một số chính sách thuế vào tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý.

Về mặt doanh thu, thuế quan đã mang lại một khoản thu thuế đáng kể cho chính phủ liên bang. Bộ Ngân Khố cho biết, Hoa Kỳ đã thu được khoảng 27 tỷ đô la từ thuế quan trong tháng trước, nâng tổng số tiền thu được trong năm nay lên hơn 100 tỷ đô la. Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại Moody’s Analytics, dự báo doanh thu thuế quan có thể vượt 300 tỷ đô la vào cuối năm 2025, tương đương gần 1% GDP của Hoa Kỳ, giúp giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, ông Zandi bày tỏ nghi ngờ về tính bền vững của khoản thu này, cho rằng các nhà lập pháp không nên dựa vào đó trong tương lai vì thuế quan có thể bị tuyên bố là bất hợp pháp hoặc các Tổng Thống tương lai có thể quyết định giảm hoặc loại bỏ chúng.

Về lạm phát, kinh tế Hoa Kỳ cho đến nay vẫn chưa phải đối mặt với mức tăng giá lớn do thuế quan như lo sợ ban đầu của các nhà phân tích. Dù vậy, thuế quan đã góp phần nhỏ vào sự gia tăng lạm phát tháng trước. Giá tiêu dùng đã tăng 2.7% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái. Một số sản phẩm nhập khẩu như đồ chơi, quần áo, nội thất và ga trải giường đã tăng giá đáng kể. Giáo sư Matias Vernengo từ Đại học Bucknell dự đoán thuế quan có thể đẩy lạm phát lên trong một thời gian ngắn, gây áp lực lên Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed) phải duy trì lãi suất cao, từ đó có nguy cơ làm chậm lại nền kinh tế.

Tin tức từ ABC News ngày 19/07/2025.


follow nhận tin mới



Tin NỔI BẬT


Tin Chính trị


Tin Hoa Kỳ


Tin Di trú