Thống đốc Bob Ferguson đã từ chối ân xá cho ông Tuấn Thanh Phan, một người gốc Việt lớn lên ở Tacoma, làm tăng nguy cơ ông bị trục xuất sang Nam Sudan. Quyết định này được đưa ra sau khi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho phép chính phủ liên bang trục xuất những người nhập cư đến “quốc gia thứ ba” ngay cả khi họ không có mối liên hệ nào với quốc gia đó.
Ông Phan, đến Hoa Kỳ từ Việt Nam năm 1991 khi mới 9 tuổi, đã bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) giam giữ sau khi mãn hạn 25 năm tù vì tội giết người và hành hung. Hiện ông đang bị giam giữ tại một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Djibouti.
Theo luật sư của ông Phan, việc Thống đốc Ferguson từ chối ân xá toàn diện và vô điều kiện gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc ông bị trục xuất. Văn phòng Thống đốc Ferguson cho biết việc ân xá sẽ cho phép ông Phan trở lại cuộc sống dân sự mà không có các điều kiện thường đi kèm với việc mãn hạn tù cho các tội bạo lực, bao gồm việc phải trình diện thường xuyên với nhân viên quản chế và bị cấm liên lạc với gia đình nạn nhân.
Trong thư gửi luật sư của ông Phan, cố vấn pháp lý trưởng Kristin Beneski của văn phòng Thống đốc Ferguson viết: “Thống đốc đồng ý rằng ông Phan nên bị trục xuất về Việt Nam, chứ không phải Nam Sudan”. Bà Beneski cũng nói thêm rằng ông Phan đã phạm tội rất nghiêm trọng khi bắn vào một đám đông, giết chết một thiếu niên vô tội và làm bị thương một người khác.
Trước đó, Hội đồng Ân xá và Ân giảm của tiểu bang cũng đã từ chối khuyến nghị ân xá cho ông Phan vì ông đã vi phạm kỷ luật 10 lần trong thời gian thụ án, bao gồm cả hành vi “cường ép/đe dọa” vào năm 2023 và tàng trữ ma túy với ý định phân phối vào năm 2018.
Ông Phan là một trong tám người có tiền án bị đưa lên chuyến bay trục xuất đến Nam Sudan vào tháng 5, một sự kiện đã gây ra sự chú ý trên toàn quốc và các thách thức pháp lý. Theo Seattle Times, chính quyền Tổng Thống Trump đã làm việc với một số quốc gia để chấp nhận những người nhập cư bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, bất kể quốc gia xuất xứ của họ, với lý do việc trục xuất là cần thiết để loại bỏ những thành phần “tệ hại nhất”.
Trong những tháng gần đây, hàng trăm người nhập cư đã bị hoặc dự kiến sẽ bị đưa đến El Salvador, Costa Rica, Libya và các quốc gia khác theo các thỏa thuận trục xuất đến quốc gia thứ ba. Không phải tất cả những người bị cuốn vào các vụ trục xuất này đều là người có tiền án. Khoảng 200 người bị đưa đến Costa Rica vào tháng 2 không có bất kỳ dấu hiệu vi phạm an ninh nào, và khoảng 80 người trong số đó là trẻ em.
Hiện chưa rõ liệu các quan chức di trú có cố gắng trục xuất ông Phan về Việt Nam hay không và liệu chính phủ Việt Nam có từ chối hay không. Trong lịch sử, những người Việt Nam đến Hoa Kỳ trước năm 1995 – phần lớn là người tị nạn – không thuộc diện bị trục xuất. Tuy nhiên, dưới áp lực chính trị, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc trục xuất những người đến trước năm 1995.