Một chi nhánh tại Georgia của một nhóm ủng hộ Liên minh miền Nam đã đệ đơn kiện một công viên tiểu bang, nơi có tượng đài Liên minh lớn nhất nước Mỹ. Họ cho rằng các viên chức đã vi phạm luật tiểu bang khi lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm về mối liên hệ giữa Liên minh miền Nam với chế độ nô lệ, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Tượng đài tại Stone Mountain khắc hình Tổng thống Jefferson Davis, Tướng Robert E. Lee và Thomas “Stonewall” Jackson trên lưng ngựa. Những người chỉ trích từ lâu đã thúc đẩy thay đổi, cho rằng tượng đài này tôn vinh thần thoại “Lost Cause” (Chính nghĩa đã mất), lãng mạn hóa sự nghiệp của Liên minh miền Nam như một cuộc đấu tranh cho quyền lợi của các tiểu bang. Tuy nhiên, luật tiểu bang bảo vệ bức chạm khắc khỏi mọi thay đổi.
Hiệp hội Tưởng niệm Stone Mountain, cơ quan giám sát Công viên Stone Mountain, đã bỏ phiếu vào năm 2021 để di dời cờ Liên minh miền Nam và xây dựng một cuộc triển lãm “nói lên sự thật”. Mục đích của cuộc triển lãm là phản ánh vai trò của địa điểm này trong sự tái sinh của Klu Klux Klan, cùng với nguồn gốc phân biệt chủng tộc của bức chạm khắc.
Chi nhánh Georgia của Hội Cựu chiến binh Liên minh miền Nam cũng cáo buộc rằng quyết định di dời cờ Liên minh miền Nam từ một con đường đi bộ là vi phạm luật Georgia. Theo phát ngôn nhân của chi nhánh, việc thay đổi lịch sử theo cấu trúc chính trị hiện tại là vi phạm pháp luật.
Công viên Stone Mountain tự quảng bá là một công viên giải trí gia đình và là một địa điểm leo núi phổ biến ở phía đông Atlanta. Tượng đài trên không gian phía bắc của ngọn núi được hoàn thành vào năm 1972, có chiều ngang 190 feet (58 mét) và chiều cao 90 feet (27 mét). Hội Liên hiệp các con gái của Liên minh đã thuê nhà điêu khắc Gutzon Borglum, người sau này đã tạc tượng Núi Rushmore, để chế tác bức chạm khắc vào năm 1915.
Cùng năm đó, bộ phim “Birth of a Nation” (Sự ra đời của một quốc gia) ca ngợi Ku Klux Klan thời kỳ Reconstruction, tổ chức đã đánh dấu sự trở lại của mình bằng một buổi đốt thánh giá trên đỉnh Stone Mountain vào đêm Lễ Tạ ơn năm 1915. Một trong 10 phần của cuộc triển lãm dự kiến sẽ trình bày chi tiết về sự tái xuất hiện của Ku Klux Klan và ảnh hưởng của bộ phim đối với tượng đài trên núi.
Hiệp hội Tưởng niệm Stone Mountain đã thuê Warner Museums, một công ty có trụ sở tại Birmingham chuyên về các công trình liên quan đến quyền dân sự, để thiết kế triển lãm vào năm 2022.
Các chủ đề diễn giải được phát triển cho Stone Mountain sẽ khám phá ký ức tập thể được tạo ra bởi người miền Nam để đối phó với các mối đe dọa thực tế và tưởng tượng đối với nền tảng của xã hội miền Nam, chế độ nô lệ, sự bành trướng về phía tây, một cuộc chiến tranh tàn khốc và thất bại quân sự cuối cùng. Theo đề xuất triển lãm, đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của phong trào Chính nghĩa đã mất trong bối cảnh những gián đoạn kinh tế và xã hội sau đó.
Các phần khác của cuộc triển lãm sẽ đề cập đến cách Hội Liên hiệp các con gái của Liên minh và Hội Cựu chiến binh Liên minh miền Nam duy trì hệ tư tưởng “Chính nghĩa đã mất” thông qua hỗ trợ các tượng đài, chương trình giáo dục và luật phân biệt chủng tộc trên khắp miền Nam. Nó cũng sẽ kể những câu chuyện về một cộng đồng người da đen nhỏ sống gần ngọn núi sau chiến tranh. Theo tin từ hãng thông tấn AP.
Đại hội đồng Georgia đã phân bổ 11 triệu đô la vào năm 2023 để trả cho cuộc triển lãm và cải tạo Memorial Hall của công viên. Cuộc triển lãm vẫn chưa mở cửa.