Thượng Viện Nga đã nhanh chóng phê chuẩn một dự luật nhằm xử phạt các hành vi tìm kiếm thông tin trên mạng bị chính quyền coi là “cực đoan.” Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực tăng cường kiểm soát internet của các nhà chức trách Nga.
Theo dự luật, hành vi “cố tình tìm kiếm và truy cập các tài liệu cực đoan” trên mạng có thể bị phạt tiền lên đến tương đương 64 đô la Mỹ. Dự luật này, vốn đã được Hạ Viện thông qua hồi đầu tuần, sẽ sớm được Tổng thống Vladimir Putin ký thành luật.
Định nghĩa về hoạt động cực đoan của Nga khá rộng, bao gồm cả các nhóm đối lập như Quỹ Chống Tham Nhũng do cố lãnh đạo đối lập Alexei Navalny thành lập, cũng như “phong trào LGBT quốc tế.”
Các quan chức và nghị sĩ Nga cho biết người dùng internet thông thường sẽ không bị ảnh hưởng, và chỉ những ai có hành vi tìm kiếm nội dung bị cấm một cách có hệ thống mới là đối tượng nhắm đến. Tuy nhiên, họ không giải thích rõ cách thức chính quyền sẽ phân biệt giữa các đối tượng này.
Người dân Nga thường sử dụng các dịch vụ VPN để truy cập nội dung bị cấm, nhưng chính quyền đã và đang tìm cách siết chặt các biện pháp hạn chế và bịt các kẽ hở. Cơ quan giám sát truyền thông nhà nước ngày càng sử dụng công nghệ để phân tích lưu lượng truy cập và chặn các giao thức VPN cụ thể.
Theo hãng tin Associated Press, các cơ quan hữu trách Nga đã gia tăng các biện pháp trấn áp trên nhiều mặt đối với phe đối lập và những người bất đồng chính kiến sau khi đưa quân vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022. Kể từ đó, tình trạng kiểm duyệt trên mạng và các vụ truy tố liên quan đến bài đăng và bình luận trên mạng xã hội đã gia tăng đáng kể. Nhiều hãng tin độc lập và các tổ chức nhân quyền đã bị đóng cửa, bị dán nhãn “đại diện nước ngoài” hoặc bị cấm hoạt động như là “tổ chức không mong muốn.” Hàng trăm nhà hoạt động và những người chỉ trích Điện Kremlin đã phải đối mặt với cáo buộc hình sự.