Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có cuộc gặp tại Stockholm để thảo luận về thuế quan thương mại, theo tin từ ABC News ngày 27/07/2025. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng tới một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra vào cuối năm nay giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các nhà phân tích nhận định, có khả năng hai bên sẽ thống nhất duy trì mức thuế quan hiện tại, đồng thời hướng tới một thỏa thuận thương mại lâu dài hơn. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã có cuộc gặp lần thứ ba trong năm nay tại Thụy Điển, sau khi Tổng Thống Donald Trump gây chấn động thương mại toàn cầu với đề xuất thuế quan, trong đó có việc tăng thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump cho biết, Hoa Kỳ đang có “một thỏa thuận” với Trung Quốc. Ông Bessent nói thêm rằng, sau các cuộc đàm phán trước đó, Hoa Kỳ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức 30%, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế 10%, cộng thêm các loại thuế đã có trước nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Trump. Hoa Kỳ đang tìm kiếm một thỏa thuận cho phép nước này xuất khẩu nhiều hơn sang Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hướng tới chi tiêu tiêu dùng trong nước.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng sẽ đạt được “nhiều đồng thuận và hợp tác hơn, ít hiểu lầm hơn” sau các cuộc đàm phán. Giới quan sát cho rằng, Stockholm có thể là nơi hé lộ thời gian và khả năng về một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Các cuộc đàm phán tại Stockholm dự kiến tập trung vào các thông báo thương mại, cũng như các thỏa thuận để giải quyết các “vấn đề gây khó chịu” như tình trạng dư thừa công nghiệp của Trung Quốc và việc thiếu kiểm soát đối với hóa chất dùng để sản xuất fentanyl.
Vấn đề fentanyl tiếp tục là một điểm nóng trong tranh chấp thương mại, khi Hoa Kỳ đã áp thuế 20% đối với một số sản phẩm liên quan đến chất này. Trung Quốc nhiều lần phản đối việc các chính trị gia Mỹ đổ lỗi cho nước này về cuộc khủng hoảng fentanyl, cho rằng vấn đề nằm ở chính Hoa Kỳ. Trong tháng 7, Trung Quốc đã đưa hai thành phần của fentanyl vào diện kiểm soát chặt chẽ hơn, được xem là động thái đáp ứng áp lực từ Hoa Kỳ.
Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Teneo, nhận định, không có khả năng các loại thuế quan sẽ được dỡ bỏ tại Stockholm. Ông dự đoán, một thỏa thuận cuối cùng có thể bao gồm việc giảm thuế quan, nhưng mức thuế cuối cùng đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ ở mức 15-20%, tương đương với các thỏa thuận gần đây với Nhật Bản, Indonesia và Việt Nam. Việc Trung Quốc nổi lên như một nhà sản xuất xe điện và các công nghệ mới nổi cũng đặt ra những thách thức về tài chính và địa chính trị đối với các ngành công nghiệp tương tự ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giới quan sát cho rằng, các cuộc đàm phán tại Stockholm sẽ tập trung vào việc xây dựng một thỏa thuận thương mại dựa trên các cam kết mua hàng của Trung Quốc và lời hứa đầu tư vào Hoa Kỳ, đổi lại là việc nới lỏng một phần thuế quan và kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Wildau không kỳ vọng về một thỏa thuận lớn, thay vào đó là một thỏa thuận giới hạn hơn tập trung vào vấn đề fentanyl.