Bà Marianne Hirsch, một học giả diệt chủng danh tiếng tại Đại học Columbia, bày tỏ lo ngại rằng bà có thể bị xử phạt nếu tiếp tục sử dụng cuốn sách “Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil” của Hannah Arendt để thảo luận với sinh viên về Holocaust và những chấn thương dai dẳng.
Việc Columbia áp dụng định nghĩa mới về chống Do Thái, coi một số chỉ trích Israel là ngôn từ thù địch, khiến bà Hirsch, con gái của hai người sống sót sau Holocaust, cân nhắc rời bỏ giảng đường sau năm thập kỷ gắn bó.
“Một trường đại học đối xử với những lời chỉ trích Israel như hành vi bài Do Thái và đe dọa xử phạt những ai không tuân theo thì không còn là nơi để thẩm vấn cởi mở nữa,” bà Hirsch chia sẻ với Hãng Thông tấn Associated Press (AP). “Tôi không thấy làm sao tôi có thể giảng dạy về diệt chủng trong môi trường đó.”
Bà Hirsch không phải là người duy nhất. Các học giả tại nhiều trường đại học trên toàn quốc đã bày tỏ quan ngại về nỗ lực định nghĩa chủ nghĩa bài Do Thái theo cách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thường đi kèm với mối đe dọa cắt giảm tài trợ liên bang.
Định nghĩa do Liên minh Tưởng niệm Holocaust Quốc tế (IHRA) đề xuất liệt kê 11 ví dụ về hành vi bài Do Thái, bao gồm việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” với Israel, so sánh chính sách của nước này với Đức Quốc xã, hoặc mô tả sự tồn tại của Israel như một “nỗ lực phân biệt chủng tộc.”
Trước một thỏa thuận dàn xếp trị giá 220 triệu đô la với chính quyền Trump, Columbia đã đồng ý đưa định nghĩa IHRA và các ví dụ đi kèm vào quy trình kỷ luật của mình. Định nghĩa này cũng đã được Harvard, Yale và hàng chục trường đại học khác tán thành.
Trong khi những người ủng hộ cho rằng sự thay đổi về mặt ngữ nghĩa là cần thiết để chống lại các hình thức thù ghét người Do Thái đang phát triển, các nhóm đấu tranh cho quyền tự do dân sự cảnh báo rằng điều này sẽ càng đàn áp mạnh mẽ hơn ngôn luận ủng hộ Palestine vốn đã bị Tổng thống Donald Trump nhắm đến.
Đối với bà Hirsch, những hạn chế trong việc đưa ra so sánh với Holocaust và đặt câu hỏi về sự thành lập của Israel là “sự kiểm duyệt rõ ràng.” Bà lo ngại điều này sẽ làm “đóng băng” các cuộc thảo luận trong lớp học và mở ra nguy cơ bị kiện tụng oan uổng cho bà cùng các giảng viên khác.
Ông Kenneth Stern, người soạn thảo định nghĩa IHRA hai thập kỷ trước, cho biết ông “không bao giờ tưởng tượng nó sẽ trở thành một quy tắc chống ngôn từ thù địch.” Ông Stern bày tỏ quan điểm rằng việc áp dụng định nghĩa này vào bối cảnh hiện tại là “kinh khủng” và dự đoán nó sẽ dẫn đến làn sóng kiện tụng mới chống lại trường đại học, đồng thời hạn chế hơn nữa ngôn luận ủng hộ Palestine.
Theo tin từ AP, bà Hirsch tuyên bố sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu của mình về các vụ diệt chủng và hậu quả của chúng, kể cả việc thảo luận với sinh viên về tình hình ở Gaza. Nếu không thể thực hiện điều này tại Columbia, bà sẽ tiếp tục công việc của mình bên ngoài cánh cổng đại học.