Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã cho 139 nhân viên nghỉ phép hành chính sau khi họ ký vào một “tuyên bố bất đồng” với các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump. EPA cáo buộc nhóm nhân viên này đã “phá hoại một cách bất hợp pháp” chương trình nghị sự của Tổng thống Trump.
Trong một bức thư công khai vào đầu tuần, nhóm nhân viên này đã viết rằng cơ quan không còn thực hiện đúng sứ mệnh bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Bức thư này đại diện cho sự chỉ trích công khai hiếm hoi từ các nhân viên EPA, những người ý thức được rằng họ có thể phải đối mặt với hậu quả khi lên tiếng chống lại việc cắt giảm ngân sách và sự hỗ trợ của liên bang cho khoa học về khí hậu, môi trường và sức khỏe.
Theo EPA, họ có một “chính sách không khoan nhượng đối với các công chức hành chính phá hoại, âm mưu phá hoại và làm suy yếu” chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump. Các nhân viên bị thông báo rằng họ đã được đưa vào trạng thái “tạm thời, không làm việc, có trả lương” trong hai tuần tới, chờ một cuộc “điều tra hành chính”. Tuy nhiên, email gửi cho các nhân viên này khẳng định đây “không phải là một hành động kỷ luật”.
Tin từ ABC7 Chicago cho biết, hơn 170 nhân viên EPA đã ký vào tài liệu này, với khoảng 100 người khác ký tên ẩn danh vì lo sợ bị trả đũa. Tại văn phòng EPA ở Chicago, ít nhất 31 nhân viên đã bị yêu cầu rời đi. Một lãnh đạo công đoàn cho biết họ sẽ kiện chính quyền vì vi phạm quyền tự do ngôn luận của nhân viên.
Trước đó, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) cũng có động thái tương tự vào tháng 6, khi gần 100 nhân viên ký một bản tuyên bố chỉ trích các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump là “làm suy yếu sứ mệnh của NIH, lãng phí nguồn lực công và gây hại cho sức khỏe của người Mỹ cũng như người dân trên toàn cầu”. Tuy nhiên, không có ai tại NIH bị cho nghỉ việc hành chính vì ký bản tuyên bố này và cũng không có dấu hiệu trả đũa nào được ghi nhận.
Trong một diễn biến liên quan, theo ABC7 Chicago, Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu cắt giảm ngân sách cho các cải thiện môi trường tại các cộng đồng thiểu số, muốn bãi bỏ các quy định liên bang về giảm ô nhiễm không khí tại các công viên quốc gia và khu bảo tồn bộ lạc, cũng như đề xuất bãi bỏ các quy định giới hạn khí thải nhà kính từ các nhà máy điện.