Cộng đồng người Liberia bày tỏ sự bối rối và tức giận sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lời khen về khả năng nói tiếng Anh của Tổng thống nước này, Joseph Boakai, trong một cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc. Tiếng Anh đã là quốc ngữ của Liberia từ thế kỷ 19.
“Tiếng Anh hay quá,” ông Trump đã nói với ông Boakai kèm theo vẻ ngạc nhiên. “Tiếng Anh đẹp quá.” Ông tiếp tục hỏi ông Boakai: “Ông học nói hay quá vậy? Ông học ở đâu? Ở Liberia?”
Cuộc trao đổi này diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp giữa Tổng thống Trump và năm nhà lãnh đạo Tây Phi vào thứ Tư, một phần trong sự chuyển đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ viện trợ sang thương mại.
Ông Foday Massaquio, Chủ tịch đảng đối lập Congress for Democratic Change-Council of Patriots, nhận định rằng dù những lời lẽ này có thể là phong cách giao tiếp quen thuộc của ông Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng giọng điệu bị xem là hạ cố lại càng trở nên trầm trọng hơn khi các nhà lãnh đạo đều là người châu Phi.
“Điều này chứng tỏ phương Tây không xem chúng ta nghiêm túc với tư cách là người châu Phi,” ông nói. “Tổng thống Trump tỏ ra hạ cố, ông ấy rất thiếu tôn trọng nhà lãnh đạo châu Phi.”
Phát ngôn nhân của Văn phòng Tổng thống Boakai, bà Kula Fofana, trả lời hãng tin Associated Press: “Tôi tin rằng với tư cách là các nhà báo, điều quan trọng là phải tập trung vào các cuộc thảo luận cốt lõi tại hội nghị.”
Những bình luận của ông Trump được cho là làm gia tăng cảm giác thất vọng mà người dân Liberia đã cảm nhận trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tuyên bố sẽ không còn tuân theo “mô hình viện trợ nước ngoài dựa trên lòng hảo tâm”. Quyết định này đã gây chấn động Liberia, nơi sự hỗ trợ của Hoa Kỳ chiếm gần 2,6% tổng thu nhập quốc dân.
Nhiều người dân Liberia tin rằng họ sẽ được miễn trừ khỏi các đợt cắt giảm của ông Trump do mối quan hệ lịch sử gắn bó với Hoa Kỳ. Hệ thống chính trị và lá cờ của Liberia đều lấy cảm hứng từ Hoa Kỳ, và người dân Liberia thường gọi Hoa Kỳ là “anh cả”.
Ông Moses Dennis, một doanh nhân 37 tuổi ở Monrovia, cho biết: “Thứ nhất, Liberia là bạn lâu đời của Hoa Kỳ, vì vậy ông Trump lẽ ra phải hiểu rằng chúng tôi nói tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức.” Ông nhấn mạnh thêm rằng ông Boakai không đến Washington để “tham gia một cuộc thi nói tiếng Anh.”
Quan điểm này cũng được ông Siokin Civicus Barsi-Giah, một chuyên gia lãnh đạo và là cộng sự thân cận của cựu Tổng thống George Weah, đồng tình. Ông gọi cuộc trao đổi là “hạ cố và chế giễu.”
“Joseph Boakai đã không được khen ngợi. Ông ấy đã bị nhạo báng bởi tổng thống vĩ đại nhất thế giới, người đang lãnh đạo đất nước vĩ đại nhất thế giới,” ông Barsi-Giah nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, xét đến phong cách giao tiếp cá nhân của ông Trump, những lời nhận xét đó mang ý nghĩa khen ngợi. Ông Abraham Julian Wennah, Giám đốc Nghiên cứu tại Đại học African Methodist Episcopal, nhận định: “Đối với một số người, lời nhận xét có thể mang chút hàm ý hạ cố, phản ánh xu hướng lâu đời của phương Tây khi thể hiện sự ngạc nhiên trước các nhà lãnh đạo châu Phi thể hiện sự thông tuệ. Trong bối cảnh hậu thực dân, ngôn ngữ từ lâu đã bị vũ khí hóa để nghi ngờ tính hợp pháp và năng lực.”
Ông Wennah cho rằng, nếu nhìn vào “phong cách hùng biện của Trump,” thì những lời lẽ này là “sự công nhận sự tinh tế, trí tuệ và sự sẵn sàng tham gia toàn cầu của ông Boakai,” theo nguồn tin từ Associated Press.