Một bài viết trên tờ Daily News gần đây đã đề cập đến vấn đề ‘tân trang đô thị’ và những tác động tiêu cực của nó lên các khu dân cư lao động tại Hoa Kỳ. Quyết định của Tối Cao Pháp Viện năm 1954 trong vụ Berman kiện Parker, cho phép phá bỏ một khu dân cư lao động để phục vụ tái thiết, đã mở đường cho việc này diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, phải mất nhiều thập kỷ người dân Mỹ mới hiểu được hết những hệ lụy. Chỉ sau vụ Kelo kiện thành phố New London, người dân mới bắt đầu nhận thức rõ hậu quả của việc cho phép chính quyền tịch thu tài sản của người dân vì bất kỳ mục đích công cộng nào.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều chính quyền địa phương ‘hăng hái’ tham gia vào các dự án tái thiết là do những cộng đồng nghèo không đóng góp nhiều vào nguồn thu thuế. Khi các nhà hoạch định đô thị có học thức nhìn vào một khu dân cư lao động, họ thường thấy ‘sự suy thoái’. Việc tìm ra ‘sự suy thoái’ là một lý do hợp pháp để thu hồi tài sản và tái phát triển. Nhưng ‘sự suy thoái’ đôi khi chỉ là một phán đoán chủ quan, phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người.
Theo tác giả James Burling, nơi một số người nhìn thấy những ngôi nhà xuống cấp, bong tróc sơn, những người khác lại thấy những ngôi nhà đã phục vụ cộng đồng qua nhiều thế hệ. Nơi một số người thấy một khu phố bị gánh nặng bởi người da màu, những ngôn ngữ xa lạ, và những truyền thống văn hóa khác biệt, thì những người khác lại thấy một cộng đồng sống động.
Các nhà phát triển thường nhìn vào các khu dân cư nghèo và thấy ‘dòng tiền’. Kế hoạch tài chính gia tăng thuế (tax-increment financing) được đưa ra, cho phép các nhà hoạch định của chính quyền chỉ định những khu vực xuống cấp của thành phố là khu vực tái phát triển và trao quyền cho cơ quan tái phát triển được phép thu hồi tài sản. Bất kỳ sự gia tăng nào trong doanh thu thuế sau khi thành lập cơ quan tái phát triển sẽ chảy vào cơ quan, thay vì thành phố.
Các khu dân cư đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho các dự án phát triển, được ưu đãi về thuế. Các gia đình bị đuổi khỏi nhà phải chuyển đến nơi khác, và thường là một khu dân cư nghèo khác, để rồi lại bị nhắm đến cho một dự án tái phát triển khác vài năm sau đó. Việc này đã làm giảm nguồn cung nhà ở giá rẻ. Tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng hơn do sự ‘điên cuồng’ tái phát triển, và vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Bài viết đăng trên tờ Daily News.