Các Bộ trưởng thương mại châu Âu đang nhóm họp tại Brussels để bàn chiến lược sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế 30% đối với Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này được cho là sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng đến các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương, bởi EU là đối tác kinh doanh lớn nhất của Mỹ và là khối giao thương lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, ông Lars Løkke Rasmussen, cho biết tại cuộc họp rằng châu Âu không nên vội vàng áp đặt các biện pháp trả đũa, mà cần chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án. “Chúng tôi muốn có một thỏa thuận, nhưng có câu nói cũ: ‘Muốn hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh’”, ông nói.
Các khoản thuế mới, cũng áp dụng cho Mexico, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Điều này có thể khiến nhiều mặt hàng từ phô mai Pháp, đồ da Ý, đến điện tử Đức và dược phẩm Tây Ban Nha trở nên đắt đỏ hơn tại Mỹ, gây bất ổn cho nền kinh tế của các quốc gia từ Bồ Đào Nha đến Na Uy.
Trong khi đó, nhằm tạo cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump vào cuối tháng này, Brussels đã quyết định tạm hoãn các biện pháp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ dự kiến có hiệu lực vào thứ Hai. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các bức thư thuế từ Tổng thống Trump cho thấy châu Âu có thời hạn đến ngày 1 tháng 8 để đàm phán.
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục đe dọa áp thuế đối với các quốc gia nhằm cân bằng cán cân thương mại. Trước đó vào tháng 4, ông đã áp thuế lên hàng chục quốc gia rồi tạm hoãn 90 ngày để đàm phán các thỏa thuận riêng lẻ. Khi thời hạn ân hạn kết thúc, ông bắt đầu gửi thư áp thuế cho các nhà lãnh đạo nhưng lại lùi ngày thực thi thêm vài tuần.
Trước những phản ứng từ Washington, các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi sự đoàn kết và giữ vững lập trường để tránh làm căng thẳng leo thang thêm. Nhiều tháng qua, EU đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu đàm phán thất bại. Tuy nhiên, châu Âu đang có xu hướng đa dạng hóa các mạng lưới kinh tế, chính trị và quốc phòng, chủ yếu hướng về châu Á.
Trong một diễn biến liên quan, theo tin từ ABC News, các nhà lãnh đạo EU sẽ thăm Bắc Kinh để tham dự một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, đồng thời tăng cường quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Philippines và Indonesia. Một thỏa thuận kinh tế với Indonesia đã được ký kết, và các thỏa thuận lớn khác cũng đang được xúc tiến với Mexico và khối Mercosur của các quốc gia Nam Mỹ.