Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết đã gửi hơn 20 trát đòi hầu tòa đến các bác sĩ và phòng khám liên quan đến việc thực hiện các thủ tục y tế cho trẻ em chuyển giới. Thông báo được đưa ra cùng ngày Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) tổ chức hội thảo về “những nguy cơ của chăm sóc khẳng định giới tính.”
Theo hãng tin NBC News, Bộ Tư pháp không nêu tên các bác sĩ hay phòng khám bị điều tra và cũng không nói rõ “thủ tục y tế cho người chuyển giới” bao gồm những gì, chỉ đề cập rằng các cuộc điều tra bao gồm gian lận y tế và khai báo sai sự thật.
Cùng ngày, FTC đã tổ chức một hội thảo kéo dài cả ngày về “những nguy cơ của chăm sóc khẳng định giới tính.” Chủ tịch FTC Andrew Ferguson cho rằng việc chăm sóc này mang tính lừa dối và cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Hội thảo và thông báo của Bộ Tư pháp được xem là sự leo thang mới nhất trong chiến dịch của chính quyền nhằm hạn chế quyền của người chuyển giới và khả năng tiếp cận chăm sóc y tế liên quan đến quá trình chuyển đổi.
Các hiệp hội y khoa lớn tại Hoa Kỳ, bao gồm Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, đều ủng hộ việc tiếp cận chăm sóc liên quan đến quá trình chuyển đổi cho trẻ vị thành niên và phản đối các biện pháp hạn chế.
Một số quốc gia châu Âu đã hạn chế quyền tiếp cận loại hình chăm sóc này, trong đó Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất cấm vĩnh viễn việc kê đơn thuốc chặn hormone cho trẻ vị thành niên nhằm điều trị chứng rối loạn định dạng giới. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, 25 tiểu bang có luật hạn chế việc tiếp cận thuốc chặn hormone và liệu pháp hormone cho trẻ vị thành niên chuyển giới.
Mặc dù không có luật liên bang nào hạn chế việc tiếp cận chăm sóc liên quan đến quá trình chuyển đổi, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tìm cách hạn chế thông qua các sắc lệnh hành pháp và hành động của các cơ quan liên bang. Theo NBC News, vào tháng 1, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm cấm các khoản tài trợ liên bang đến các bệnh viện hoặc trường y cung cấp chăm sóc khẳng định giới tính cho trẻ vị thành niên, tuy nhiên, nhiều thẩm phán đã chặn phần này của sắc lệnh.