Các giới chức phụ trách công tác ứng phó khẩn cấp tại khu vực Bay Area đang lo ngại về khả năng Tòa Bạch Ốc cắt giảm ngân quỹ cho Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA). Theo một bài báo trên tờ Mercury News, việc cắt giảm ngân quỹ này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phục hồi sau các thảm họa như lũ lụt, động đất và các thiên tai khác của khu vực.
Ông Rick Kovar, quản lý dịch vụ khẩn cấp của Quận Contra Costa, cho biết chính quyền Tổng Thống Donald Trump đã giảm bớt sự tham gia trực tiếp của FEMA trong các hoạt động ứng phó, cắt giảm danh sách các dự án công cộng được bồi hoàn và hạn chế việc bồi thường chi phí sửa chữa sau các thảm họa. Ông Kovar nhấn mạnh rằng đây là thời điểm đáng lo ngại cho những người làm công tác quản lý tình huống khẩn cấp.
Để giảm sự phụ thuộc của các tiểu bang vào FEMA, chính quyền Tổng Thống Trump cũng đã giảm tỷ lệ chia sẻ chi phí liên bang, tạm dừng các đơn xin tài trợ quản lý khẩn cấp và bỏ qua các phê duyệt trước đó cho hàng chục dự án giảm thiểu rủi ro, bao gồm bốn dự án ở California trị giá hơn 125 triệu đô la để phòng chống lũ lụt.
Theo bản đồ rủi ro do FEMA công bố, các quận Alameda, Santa Clara và Contra Costa là những khu vực có nguy cơ cao nhất về thời tiết khắc nghiệt. Trong số 10 quận có nguy cơ cao nhất ở California, Alameda xếp thứ 4, Santa Clara thứ 5 và Contra Costa thứ 8.
Các nhà lãnh đạo Quận Santa Clara tin rằng họ đã có một kế hoạch vững chắc để đối phó với thảm họa, nhưng ông James Williams, người đứng đầu quận, thừa nhận rằng ngay cả hệ thống quản lý khẩn cấp mạnh nhất cũng sẽ gặp nguy hiểm nếu FEMA bị giải thể. Ông Williams cho biết chính phủ liên bang là cơ quan duy nhất có khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính gần như vô hạn trong thời gian ngắn. Tin từ Mercury News.