Các cơn bão cát và bụi đang ảnh hưởng đến khoảng 330 triệu người tại hơn 150 quốc gia, gây ra những tác động ngày càng nghiêm trọng đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (WMO).
Bà Laura Paterson, đại diện của WMO tại Liên Hợp Quốc, cho biết khoảng 2 tỷ tấn bụi được phát thải mỗi năm, tương đương với 300 Kim tự tháp Giza. Hơn 80% lượng bụi này đến từ các sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông, nhưng tác động của nó mang tính toàn cầu do các hạt bụi có thể di chuyển hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km qua các lục địa và đại dương.
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã đánh dấu Ngày Quốc tế Chống Bão Cát và Bụi, đồng thời tuyên bố giai đoạn 2025-2034 là Thập kỷ Liên Hợp Quốc về Chống Bão Cát và Bụi.
Chủ tịch Đại Hội đồng, ông Philemon Yang, nhấn mạnh rằng các cơn bão này đang trở thành một trong những thách thức toàn cầu bị bỏ qua nhiều nhất nhưng có tác động sâu rộng nhất. Ông chỉ ra rằng biến đổi khí hậu, suy thoái đất và các hoạt động không bền vững là những nguyên nhân chính.
Theo ông Yang, các hạt bụi trong không khí từ những cơn bão này góp phần gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm, làm bùng phát các bệnh về đường hô hấp và tim mạch, đồng thời làm giảm năng suất cây trồng tới 25%, dẫn đến nạn đói và di cư.
Bà Rola Dashti, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và là Trưởng ban Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á, cho biết chi phí kinh tế mà các cơn bão này gây ra là “khổng lồ”. Tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, chi phí hàng năm để đối phó với bão cát và bụi là 150 tỷ USD, tương đương khoảng 2,5% GDP. Bà dẫn chứng tình hình mùa xuân năm nay, khi khu vực Ả Rập trải qua những gián đoạn nghiêm trọng do các cơn bão mạnh ở Iraq làm quá tải bệnh viện với các ca bệnh hô hấp, và các cơn bão ở Kuwait, Iran buộc trường học, văn phòng phải đóng cửa.
Bà Dashti, người đồng Chủ tịch Liên minh Liên Hợp Quốc về Chống Bão Cát và Bụi, cho biết hơn 20 cơ quan của Liên Hợp Quốc và quốc tế đang hợp tác để thống nhất các nỗ lực về hệ thống cảnh báo sớm cho các cơn bão, cũng như giải quyết các vấn đề khác như y tế và tài chính. Bà kêu gọi các quốc gia đưa vấn đề bão cát và bụi vào chương trình nghị sự toàn cầu và quốc gia.
“Từ phục hồi đất đai, nông nghiệp bền vững cho đến các hệ thống cảnh báo sớm tích hợp, chúng ta có các công cụ để hành động,” bà Dashti nói. “Điều chúng ta cần bây giờ là quyết tâm tập thể và tài chính để nhân rộng các giải pháp này.” Thông tin này được đăng tải trên ABC News.