Tại Afghanistan, khi lệnh cấm của chính quyền Taliban khiến các em gái không thể tiếp tục con đường học vấn sau lớp 6, nhiều em đã tìm đến các trường tôn giáo (madrassa) như một giải pháp thay thế. Theo hãng thông tấn Associated Press, các trường này, vốn chỉ tập trung vào giáo lý Hồi giáo, đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng học viên nữ.
Nahideh, 13 tuổi, là một trong số hàng trăm em gái chọn theo học tại các madrassa. Dù ước mơ trở thành bác sĩ, em biết điều đó là không thể dưới quy định hiện hành. “Con muốn đi học để trở thành bác sĩ, nhưng không được, nên con sẽ học ở madrassa,” Nahideh chia sẻ, đôi mắt thâm quầng ánh lên nỗi buồn. Em hiện đang dành 6 tiếng mỗi ngày sau giờ học bán nước ở nghĩa trang để kiếm sống.
Chính quyền Taliban đã ban hành lệnh cấm các em gái học trung học và đại học cách đây ba năm, đưa Afghanistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới áp dụng biện pháp này. Bên cạnh đó, nhiều quy định khác cũng hạn chế quyền phụ nữ và trẻ em gái, từ trang phục đến nơi đi lại và người đi cùng.
Ông Zahid-ur-Rehman Sahibi, giám đốc một trung tâm giáo dục Hồi giáo ở Kabul, cho biết: “Vì trường học đóng cửa với các em gái, họ xem đây là một cơ hội để tiếp tục học tập và nghiên cứu khoa học tôn giáo.” Trung tâm của ông hiện có khoảng 400 học viên, với 90% là nữ giới, đang học kinh Qur’an, luật Hồi giáo và tiếng Ả Rập.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc giới hạn giáo dục của phụ nữ. Ông Sahibi bày tỏ quan điểm cá nhân: “Theo ý kiến của tôi, việc nữ giới học cả khoa học tôn giáo lẫn các môn học khác là rất quan trọng, vì kiến thức hiện đại cũng là một phần quan trọng của xã hội. Hồi giáo cũng khuyến khích học các khoa học hiện đại vì chúng cần thiết, song song với khoa học tôn giáo.”
Lệnh cấm giáo dục đối với nữ giới đã gây ra nhiều tranh cãi, ngay cả trong nội bộ Taliban. Hồi tháng Giêng, Thứ trưởng Ngoại giao Sher Abbas Stanikzai đã công khai phát biểu rằng không có lý do gì để từ chối giáo dục đối với các em gái và phụ nữ. Tuy nhiên, ông Stanikzai hiện đang nghỉ phép và được cho là đã rời khỏi đất nước, cho thấy sự phản đối của ông không được lãnh đạo Taliban hoan nghênh.
Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, đã cảnh báo về những hậu quả thảm khốc nếu lệnh cấm tiếp tục kéo dài đến năm 2030, khi ước tính hơn 4 triệu em gái sẽ bị tước đoạt quyền được học tập vượt cấp tiểu học. Bà nhấn mạnh tác động tiêu cực đến hệ thống y tế, kinh tế và tương lai của đất nước Afghanistan.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Associated Press, nhiều người Afghanistan vẫn coi việc học kinh Qur’an là nền tảng cho mọi ngành khoa học khác. Ông Mullah Mohammed Jan Mukhtar, điều hành một madrassa dành cho nam giới, cho rằng: “Nếu ai đó học kinh Qur’an trước, họ sẽ học các khoa học khác tốt hơn.” Ông cũng tin rằng cần có nhiều madrassa hơn cho phụ nữ để họ hiểu rõ hơn về các bổn phận và quyền lợi trong gia đình.